Lên ngôi nhờ kiêu binh Trịnh_Tông

Năm 1781, Trịnh Sâm chính thức lập Trịnh Cán làm thế tử. Năm 1782, Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán mới có 6 tuổi nối ngôi, quyền lực nằm trong tay Đặng Thị Huệ, Hoàng Đình Bảo[4]. Đặng thị bắt Trịnh Tông ra sống ở nhà Tả Xuyên, giam giữ cấm đoán nghiêm ngặt. Mẹ ông là Dương thị sai người đến khuyên quận Huy thương tình. Đình Bảo khóc và nói

"Đình Bảo này thờ tiên vương, rất được đội ơn yêu dấu. Uý tử là con của tiên vương tôi; nếu tôi có lòng nào sẽ bị trời tru đất diệt"[2].

Từ đấy, việc giam giữ áp chế được nới rộng, gia thần của Trịnh Tông dần dần được vào gặp. Bấy giờ chúa còn nhỏ tuổi, lại vì Đặng Thị HuệHoàng Đình Bảo câu kết chuyên quyền nên ai cũng ghét. Tháng 10 ÂL, bầy tôi của Trịnh Tông là Dự Vũ nhân lúc quân sĩ đang say rượu mà nói khích họ rằng:

Thế tử của tiên vương không tội trạng gì, chỉ vì Đặng Thị là người đàn bà ác nghiệt, làm mê hoặc tiên vương để cướp ngôi cho con; Đình Bảo vốn có chí làm phản, hắn lợi dụng tân vương còn thơ ấu để áp chế, nên phụ họa với Đặng Thị để thành cái kế cướp ngôi. Nay tân vương bị bệnh nguy kịch, tất nhiên xảy ra họa loạn. Các quân sĩ đều là người cũ ở nơi thang mộc, làm nanh vuốt của nước, vốn giữ lòng trung nghĩa, nếu một bụng tôn phò, yên định được nhà chúa, thì tên tuổi sẽ chép trong thư đỏ, khoán sắt[5], công ấy còn gì lớn hơn?[2]

Quân sĩ bèn hẹn nhau, mưu tính. Có Nguyễn Bằng làm người đứng đầu đề nghị khởi sự khi có ba tiếng trống trên phủ đường. Sáng ngày 24 ÂL (tức 28 tháng 11 năm 1782), Nguyễn Bằng đi tắt lên phủ lầu đánh trống, các quân sĩ cùng xông vào. Đình Bảo ra trận và bị giết. Quân sĩ bèn đem nhau đến sở giam, phò Trịnh Tông ra ngồi phủ đường, rồi lấy chỉ dụ của Nguyễn Thái Phi tâu xin mệnh lệnh nhà vua lập Khải làm nguyên soái Đoan Nam Vương, truất Cán làm Cung quốc công. Sau đó, Cán bị bệnh chết[2].